TUI ĐÃ HỌC THPT Ở MỸ NHƯ THẾ NÀO ?

Cùng lắng nghe những chia sẻ của bạn ĐOÀN HUỲNH NGỌC ÁNH - học sinh của USC đã đạt Học bổng THPT Mỹ nhé!!

Vậy là năm học trao đổi ở Mỹ của tui khép lại mất rồi. Gần 1 năm qua tui đã có những trải nghiệm và kỉ niệm rất đặc biệt và biết thế nào là THPT ở Mỹ.

1. Học sinh được chọn môn học cho mình. Trường tui học tối đa 7 môn, tui được chọn môn để học miễn là phải có các môn Toán, English, Khoa học, Xã hội và môn tự chọn. Các môn tự chọn cũng đa dạng như Thuyết trình, Dinh dưỡng, Vẽ, Âm nhạc...

2. Giờ học bắt đầu lúc 8h sáng và ra về lúc 3h chiều. Tất nhiên không có đi học thêm. Vậy nên thời gian rảnh của học sinh nhiều lắm. Đôi lúc sẽ có bài tập về nhà nhưng không khó như bài tập ở VN đâu. Có lần tui nói với mấy bạn Mỹ ở VN vào học lúc 6h45, tụi nó kêu không bao giờ, giờ đó có đứa còn ngủ, còn tui kể từ khi qua Mỹ thì giờ đó mới dậy 

Tui học có 7 môn nên cũng sẽ kể về 7 môn mà tui học thôi, mấy môn khác chưa trải nghiệm nên không biết.😂

3. Môn Hóa. Tui học chương trình pre-AP (tra google để biết thêm về AP) chủ yếu về hóa vô cơ. Học kì 1 không phải học cái phương trình nào hết mà học về cấu tạo các hạt như proton, electron, các học thuyết hóa học cơ bản qua cuối học kì 2 thì mới thấy học phương trình giống chương trình lớp 8 ở VN

4. Môn Vẽ (môn này đã tuyệt chủng ở cấp 3 VN). Tui được vẽ tự do, lâu lâu giáo viên giao chủ đề để vẽ. Nhờ vậy tui có khá nhiều thời gian luyện vẽ :)))))))

5. Môn tiếng Anh. Tui học về văn học Anh. Học rồi cũng thấy vài điểm tương đồng với văn học VN như hình tượng anh hùng, người phụ nữ bị thiệt thòi, hướng con người tới các giá trị tốt đẹp nhưng văn học Anh thường bị ảnh hưởng bởi tôn giáo và các giá trị truyền thống của họ cũng có khác biệt đôi chút. Mỗi tuần có 1 bài báo để học sinh đọc và viết bài trình bày suy nghĩ, cập nhật kiến thức về văn hóa xã hội, chính trị... Tui thích nhất là dự án học sinh trình bày sáng kiến cải thiện trường học. Các sáng kiến hay sẽ được thực hiện. Như mấy năm trước có học sinh đề nghị dạy tiếng Trung Quốc, liên hệ được giáo viên dạy và triển khai lớp đó thành 1 môn học

6. Môn toán Đạo hàm. Bên này chia môn toán ra làm nhiều lớp chứ không gộp chung. Có lớp Lượng giác, Hình học, Đại số, Đạo hàm riêng, học sinh được chọn và ko cần học hết. Vậy nên có học sinh lớp 12 tốt nghiệp vẫn không học lượng giác. Tui học lớp AP Đạo hàm, lúc đầu rất giống với chương trình lớp 10 ở VN, lúc sao chuyển qua học phân tích đồ thị, khó quá trời, tui có được học nhiều đồ thị ở VN đâu 😅. Đặc biệt máy tính bên này có thể vẽ đồ thị, cái này chưa thấy ở Casio hay Vinacal

7. Môn toán Lượng giác. Ngoài sin, cos, tan, cot, tui còn học thêm sec, csc (tra google để biết thêm chi tiết). Mà điều tui thích nhất là tui ko cần phải học thuộc công thức lượng giác nào. Khi làm kiểm tra giáo viên sẽ viết công thức lên bảng hoặc in "phao" nhỏ cho tụi tui, chỉ cần nhìn công thức ráp số vô làm. Tui học pre-AP mà cũng chưa giải phương trình lượng giác nhiều, nói chung nếu tui dùng Vinacal thì mấy câu hỏi trong bài kiểm tra bấm một phát sẽ ra.

8. Môn Lịch sử Mỹ. Phải nói đây là môn khó nhất mà tui học. Mà được cái giáo viên dạy hay, tui từ 1 đứa không biết gì về lịch sử Mỹ thì đã nắm được chút rồi. Nói chung xuyên suốt lịch sử Mỹ, tui thấy tinh thần đấu tranh dân chủ của người Mỹ cao lắm, cái gì bất công bất bình đẳng là học đấu tranh biểu tình để dành quyền lợi. Không biết có phải vậy mà nước Mỹ phát triển không. Như lịch sử ngày 8/3 xuất phát từ biểu tình ở Mỹ, vậy mà ở Mỹ ngày 8/3 là ngày bình thường mới lạ, tui hỏi bạn tui ko ai biết 8/3 là ngày nào. Về các cuộc thế chiến, do nước Mỹ có tham gia nên tui có cái nhìn toàn cảnh hơn. Về chiến tranh lạnh, do Mỹ và Liên Xô (VN theo phe Liên Xô) đối lập nên tui cũng có 2 cái nhìn từ 2 phía. Về chiến tranh VN, đây là một chương trong lịch sử Mỹ, người dân Mỹ không muốn tham gia, họ nói chính quyền đã nói dối họ về chiến tranh ở VN, họ không muốn gây chiến tranh. Ngay khi quân đội Mỹ còn ở chiến trường VN thì người dân ở Mỹ đã biểu tình phản đối chiến tranh. Vậy là tui học được 2 góc nhìn của 2 bên đối lập qua lịch sử của 2 nước.

9. Môn Dinh dưỡng. Tui được học về các loại chất dinh dưỡng, không cần học thuộc, chỉ cần làm bài tập đảm bảo học sinh tự thuộc và ứng dụng. Ngoài ra tui cũng được học nấu ăn, lớp học có sẵn bếp, giáo viên mua sẵn nguyên vật liệu, tất nhiên học sinh không trả tiền, học sinh dựa vào công thức để nấu. Tui học được nhiều về văn hóa Mỹ qua môn này. Mấy món ăn hoặc dụng cụ làm bếp đôi lúc rất khác ở VN. Mà ai nói chỉ Nhật Bản mới có mấy thứ lạ chứ ở Mỹ mấy thứ kì lạ cũng không kém.

10. Hết 7 môn tui học rồi. Giờ đến thi học kì, nỗi ám ảnh của học sinh VN. Ở trường tui chỉ cần không nghỉ học quá 3 buổi và điểm trung bình môn trên C thì học sinh được miễn thi học kì môn đó, thiệt nhẹ nhàng ha 😏

Điều nho nhỏ nữa: Trường tui có yearbook (kỉ yếu, lưu bút) mỗi năm để ghi lại những khoảnh khắc, kỉ niệm trong năm đó do một câu lạc bộ phụ trách. Cuối năm học sinh Mỹ cũng chuyền tay nhau lưu bút để ghi lời nhắn nhủ, kí tên, cũng giống học sinh ở VN vậy á 😆 (tui có đính kèm hình)

Tóm lại là việc học ở Mỹ của tui còn nhiều lắm mà tui kể vậy thôi chứ dài quá ngán. Về đời sống, do nước Mỹ có mức sống cao nên người dân sống rất thoải mái, tất nhiên cũng có người nghèo, vô gia cư. Nhìn chung cơ sở vật chất, nhà ở rất đầy đủ, tiện nghi (đối với tui). Gần một năm ở Mỹ tui trưởng thành hơn rất nhiều.

 

\